Kinh tế Cộng_hòa_Nhân_dân_Trung_Hoa

Tính đến năm 2019, kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới xét theo GDP danh nghĩa, tổng giá trị khoảng 14.172 tỉ USD theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nếu xét về GDP theo sức mua tương đương, Trung Quốc đạt 27.449 tỷ USD vào năm 2019.

Năm 2010, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang dần đuổi kịp Mỹ, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhiều nhà kinh tế dự báo GDP của Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ vào khoảng năm 2030. Tuy nhiên, xét theo sức mua tương đương, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới vào năm 2013. Theo một báo cáo phân tích 186 quốc gia của McKinsey, Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của 33 quốc gia và nguồn nhập khẩu lớn nhất của 65 quốc gia. Từ năm 2015, Trung Quốc là nước đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn thứ hai thế giới và cũng là nước nhận đầu tư nước ngoài lớn thứ hai toàn cầu.[199]

Năm 2019, GDP theo sức mua tương đương đầu người của Trung Quốc là 19.559 USD đứng thứ 79 thế giới, trong khi GDP danh nghĩa/người là 10.099 USD đứng thứ 71 thế giới (trong số 190 quốc gia trong danh sách của IMF) trong xếp hạng GDP/người toàn cầu.[200] Về chỉ số phát triển con người (HDI), Trung Quốc đạt 0,752 điểm, thuộc nhóm các nước cao, đứng ở vị trí 85/189 quốc gia theo số liệu năm 2019[201]. Hiện nay hầu hết các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, WTO, WBIMF vẫn chỉ xếp Trung Quốc vào nhóm các nước đang phát triển trên thế giới [202] [203] [204][205]

Từ khi thành lập vào năm 1949 cho đến cuối năm 1978, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có một kinh tế kế hoạch tập trung theo kiểu Liên Xô. Sau khi Mao Trạch Đông từ trần vào năm 1976 và Cách mạng văn hóa kết thúc, Đặng Tiểu Bình và tập thể lãnh đạo mới của Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế và chuyển đổi theo hướng kinh tế hỗn hợp định hướng thị trường hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các hợp tác xã, nông trang tập thể bị giải tán bớt hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động và ruộng đất được giao cho các hộ gia đình sử dụng, trong khi đó ngoại thương trở thành một trọng tâm mới quan trọng, dẫn đến việc thiết lập các đặc khu kinh tế. Những doanh nghiệp quốc doạnh không hiệu quả bị tái cơ cấu và những doanh nghiệp thua lỗ phải đóng cửa hoàn toàn, dẫn đến tình trạng thất nghiệp lớn. Trung Quốc hiện nay có đặc điểm chủ yếu là một nền kinh tế thị trường dựa trên quyền sở hữu tài sản tư nhân,[206] và là một trong các ví dụ hàng đầu về chủ nghĩa tư bản nhà nước.[207][208] Nhà nước vẫn chi phối trong những lĩnh vực "trụ cột" chiến lược như sản xuất năng lượng và công nghiệp nặng, song doanh nghiệp tư nhân mở rộng mạnh mẽ, với khoảng 30 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2008.[209][210][211][212]

Quang cảnh khu trung tâm Phố Đông của Thượng Hải vào năm 2012.Quang cảnh khu vực ven Hải Hà của Thiên Tân.Vương Phủ Tỉnh là một trong các phố mua sắm bận rộn nhất tại Bắc Kinh..Khu vực Châu Giang tân thành tại Quảng Châu.

Kể từ khi bắt đầu tự do hóa kinh tế vào năm 1978, Trung Quốc nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới,[213] dựa ở mức độ lớn vào tăng trưởng do đầu tư và xuất khẩu.[214] Trong gần 30 năm từ năm 1978, GDP của Trung Quốc đã tăng 15 lần, sản xuất công nghiệp tăng hơn 20 lần; kim ngạch thương mại tăng hơn 100 lần. Vào năm 1992, Trung Quốc vẫn còn xếp thứ 133 thế giới về GDP bình quân đầu người, với hơn một nửa dân số sống dưới mức 2 USD/ngày, nhưng dự kiến tới năm 2022, Trung Quốc sẽ tăng 69 bậc (lên hạng 64 thế giới) trong xếp hạng về GDP bình quân đầu người, và chỉ còn chưa đầy 2% dân số Trung Quốc sống dưới chuẩn nghèo của thế giới.

Tới năm 2000, Trung Quốc đã hoàn thành công nghiệp hóa, và bắt đầu chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng việc nghiên cứu tạo ra các thành tựu khoa học kỹ thuật mới, tạo ra một cơ sở vững chắc để giải quyết việc biến Trung Quốc từ một “công xưởng của thế giới” thành một “nhà máy của tri thức”.

Theo IMF, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Trung Quốc trong giai đoạn 2001-2010 là 10,5%. Trong giai đoạn 2007-2011, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tương đương với tổng tăng trưởng của các quốc gia G7.[215] Năng suất cao, chi phí lao động thấp và cơ sở hạ tầng tương đối thấp khiến Trung Quốc dẫn đầu thế giới về chế tạo. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc cần rất nhiều năng lượng và không hiệu quả;[216] Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2010,[217] dựa vào than đá để cung cấp trên 70% nhu cầu năng lượng trong nước,[218] và vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới vào tháng 9 năm 2013.[219]

Quảng trường Trung Sơn ở thành phố Đại Liên

Trung Quốc là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và là cường quốc giao thương lớn nhất thế giới, với tổng giá trị mậu dịch quốc tế là 3.870 tỷ USD trong năm 2012.[220] Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 2.850 tỷ USD vào cuối năm 2010, là nguồn dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới cho đến đương thời.[221][222] Năm 2012, Trung Quốc là quốc gia tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất thế giới, thu hút 253 tỷ USD.[223] Trung Quốc cũng đầu tư ra hải ngoại, tổng FDI ra ngoại quốc trong năm 2012 là 62,4 tỷ USD,[223] các công ty Trung Quốc cũng tiến hành những vụ thu mua lớn các hãng ngoại quốc.[224] Tỷ giá hối đoái bị định giá thấp gây xích mích giữa Trung Quốc với các nền kinh tế lớn khác,[225][226][227].

Dân số tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc (có thu nhập hàng năm từ 10.000-60.000 USD) đạt trên 300 triệu vào năm 2012.[228] Theo Hurun Report, số lượng tỷ phú USD tại Trung Quốc tăng lên 251 vào năm 2012.[229] Thị trường bán lẻ nội địa của Trung Quốc có giá trị 20.000 tỷ tệ (3.200 tỷ USD) vào năm 2012[230] và tăng trưởng trên 12%/năm vào năm 2013,[231] trong khi thị trường xa xỉ phẩm phát triển mạnh, với 27,5% thị phần toàn cầu vào năm 2010.[232] Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc góp phần vào lạm phát tiêu thụ nghiêm trọng,[233][234] làm gia tăng các quy định của chính phủ.[235]

Trung Quốc có bất bình đẳng kinh tế ở mức độ cao,[236] và tăng lên trong các thập niên vừa qua.[237] Đến cuối năm 2012, số người nghèo tại khu vực nông thôn của Trung Quốc là khoảng 98,99 triệu theo chuẩn nghèo Trung Quốc, chiếm 10,2% dân số khu vực nông thôn.[238] Một báo cáo của Đại học Bắc Kinh cho biết theo số liệu thu nhập năm 2012, 1% các gia đình giàu có nhất tại Trung Quốc sở hữu hơn 1/3 giá trị tài sản toàn quốc, 25% các gia đình nghèo nhất chiếm 1% giá trị tài sản toàn quốc.[239]

Trung Quốc bị chỉ trích rộng rãi về việc chế tạo hàng nhái với số lượng lớn[240][241] với hơn 90% lượng hàng giả và hàng nhái trên thế giới có nguồn gốc xuất phát từ quốc gia này[242]. Những nhãn hàng thời trang từ bình dân tới cao cấp được nhái lại và bày bán công khai với giá rẻ hơn nhiều so với hàng gốc. Một số thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng bị nhái tại đây. Một số sản phẩm nổi tiếng chưa ra mắt chính thức đặc biệt là đồ công nghệ đã bị nhái tại đây.[243][244]

Ngoài công nghệ sản xuất quy mô, nền kinh tế Trung Hoa lục địa còn có những điểm nghiêm trọng trực tiếp liên quan đến tội phạm và những đường dây buôn hàng giả. Hoa lục là nguồn xuất phát của 70% lượng hàng giả bị tịch thu trên toàn thế giới trong khoảng những năm 2008-2010. Tổng giá trị hàng giả trên thế giới là khoảng 25 tỷ USD, tương đương với 2% tổng mậu dịch thế giới. Gộp chung các tổ chức phạm pháp buôn người, buôn hàng tiêu thụ, dược phẩm, lâm sản và dã thú bị nghiêm cấm, Các tổ chức buôn hàng giả tại vùng Đông Á có lợi nhuận mỗi năm lên khoảng 90 tỷ USD.[245] Riêng tại Mỹ thì 87% hàng giả bị nhà chức trách bắt được là làm ở Hoa lục.[246] Bắc Kinh tuy có ra tay dẹp bỏ hàng giả nhưng phần thi hành lỏng lẻo, lại vì chính quyền tham nhũng nên nhà sản xuất vẫn có thể hối lộ luồn lách để hoạt động như thường.[246] Có địa phương như Yimu chuyên sản xuất hàng giả. Công nghệ hàng giả quy mô đến mức chính quyền ngần ngại không dám dẹp bỏ vì đây là mối sinh nhai, cung cấp công ăn việc làm cho hàng triệu người.[247]

Trung Quốc hiện được gọi là "công xưởng của thế giới". Theo phân tích năm 2018, khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại thì phần còn lại của thế giới cũng sẽ chậm theo. JPMorgan ước tính cứ 1% giảm đi trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ kéo tụt hơn 1% tăng trưởng của các nền kinh tế tại Mỹ Latinh, 0,6% tại châu Âu và 0,2% tại Mỹ[248]

Năm 2016, một số nhà phân tích nghi ngờ rằng số liệu chính thức về tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã bị thổi phồng, bởi chi tiêu trong ngành dịch vụ là khó khăn để đo lường trong trường hợp không có nguồn dữ liệu đủ mạnh từ khu vực tư nhân.[249]. Vào năm 2007, ông Lý Khắc Cường (khi ấy là Bí thư Đảng ủy tỉnh Liêu Ninh) đã từng nói rằng những thống kê về GDP của Trung Quốc là "nhân tạo", do đó không đáng tin cậy và chỉ nên sử dụng để tham khảo [250]. Vào năm 2017, kiểm toán quốc gia Trung Quốc phát hiện nhiều địa phương thổi phồng số liệu thu ngân sách, trong khi nâng trần mức vay nợ một cách bất hợp pháp. Việc số liệu kinh tế bị làm giả khiến thế giới bày tỏ nghi ngờ về mức độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Chuyên gia Julian Evans Pritchard thuộc Tập đoàn Capital Economics nhận định rằng: “Tỉ lệ tăng trưởng GDP cao hơn mọi người nghĩ sẽ chắc chắn lại gây ra những câu hỏi về tính xác thực của dữ liệu chính thức. Chúng tôi cho rằng tỉ lệ tăng trưởng thật sự [của Trung Quốc] là thấp hơn (so với báo cáo chính thức) khoảng 1% hoặc 2%” . Tháng 9/2017, Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết nước này sẽ chuyển sang tiêu chuẩn tính GDP mới nhất của Liên Hợp quốc, sử dụng máy tính chứ không phải các báo cáo địa phương của các tỉnh để đảm bảo sự khách quan của số liệu[251].